So sánh với bảng xếp hạng năm 2014, năm nay Việt Nam tiếp tục lao dốc xuống thêm đến 10 hạng, xếp thứ 35 trong tổng số 42 thị trường được khảo sát có mức rủi ro thấp nhất và trở thành 1 trong 10 nước có mức độ rủi ro cao đối với nhà đầu tư.
Bảng xếp hạng thứ tự 42 quốc gia có mức độ rủi ro từ thấp nhất |
Tiêu chí được Cushman & Wakefield đưa ra để đánh giá mức rủi ro dựa trên sự minh bạch toàn diện của thị trường BĐS, việc dễ dàng sở hữu bất động sản thương mại, việc dễ dàng thuê bất động sản của các công ty nước ngoài và thời gian hoàn tất các thủ tục giao dịch. Qua đó cho thấy, mặc dù Việt Nam được nhận định là một trong 3 thị trường then chốt có hoạt động rất tốt nhìn từ góc độ kinh tế ở khu vực Đông Nam Á nhưng việc sở hữu bất động sản tại Việt Nam đang gây ra nhiều vấn đề tranh cãi.
Theo Bà Võ Thị Phương Mai – Phụ trách phát triển Kinh doanh của Cushman & Wakefield Việt Nam thì những lý do chính khiến thị trường Việt Nam mất điểm trong mắt nhà đầu tư quốc tế là do việc sở hữu và phân bổ đất đai tại Việt Nam đều nằm dưới sự quản lý của Nhà nước, chính vì vậy sẽ gây khó khăn hơn cho những nhà đầu tư khi muốn đầu tư vào bất động sản và thúc đẩy giao dịch. Ngoài ra, do chính sách quan liêu, thủ tục nhiêu khê, chính sách thay đổi liên tục khiến cho các nhà đầu tư chần chừ và nản lòng.
Bảng đánh giá rủi ro của thị trường BĐS Việt Nam |
Trong suốt hơn hai mươi năm qua, trọng tâm của nền kinh tế thế giới đã được chuyển dịch bằng việc hàng loạt các nhà đầu tư chuyển hướng sang các quốc gia có nền kinh tế sơ khai và mới nổi, mục tiêu tăng tưởng lợi nhuận được doanh nghiệp đặt ra tại các thị trường này thường cao hơn tại các nền kinh tế lớn. Các quốc gia trên cũng ngày càng trở nên hấp dẫn khách thuê văn phòng – vốn gặp khó khăn tại các thị trường kinh tế lớn. Những thị trường mới nổi và thị trường biên sơ khai đang đặt ra các thách thức mang tính cá nhân cho khách thuê và nhà đầu tư, đó là sự kém minh bạch thông tin, thông tin thiếu nhất quán và thay đổi liên tục, thiếu thông tin về quyền sở hữu bất động sản, bộ máy quan liêu và nạn tham nhũng đã làm tăng rủi ro khi tham gia vào các thị trường này và gây ra các vấn đề trong quá trình thực thi pháp lý. Việt Nam hiện vẫn chưa giải quyết dứt điểm những tồn đọng trên và nguyên nhân tất yếu dẫn đến sự mất lòng tin của nhà đầu tư quốc tế. Các chính sách mở của của Việt Nam đến giờ mới chỉ mang tính tư tưởng, chưa thật sự phát huy được giá trị thực tiễn và phải mất một thời gian dài mới phát huy sức ảnh hưởng. Vì vậy, tuy vẫn có sức hấp dẫn lớn với nhà đầu tư nhưng cân nhắc đầu tư vào Việt Nam thời điểm này vẫn là bước đi thận trọng của nhiều doanh nghiệp quốc tế.
Phương Uyên
(Theo Nhịp sống thời đại)